Nguồn | Happynest
Nếu xây nhà mà không hiểu rõ các chính sách pháp luật và không có sự tư vấn từ chuyên gia, các gia chủ rất dễ gặp phải tình huống nhà xây sai phạm và phải nộp phạt hoặc cưỡng chế tháo dỡ nhà. Sau đây là 5 sai phạm thường gặp khi xây nhà mà Happynest tổng hợp dựa trên các cơ sở pháp lý hiện hành. Mời bạn cùng tham khảo.
Bài viết có tham khảo Luật xây dựng năm 2014, sửa đổi năm 2020 và Nghị định 16/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ 28/01/2022) thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
Theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, các trường hợp sai phạm đã được giải thích chi tiết, rõ ràng hơn. Nghị định cũng tăng mức xử phạt đối với nhiều trường hợp sai phạm.
1| Xây nhà không phép
Hầu hết các trường hợp xây dựng nhà mới đều tuân thủ việc xin phép xây dựng trước khi khởi công. Tuy nhiên, gia chủ vẫn có thể bị nộp phạt do chưa nắm rõ quy định miễn phép. Nhất là đối với nhà ở nông thôn và nhà sửa chữa, cải tạo ở đô thị.
Điển hình như:
– Sửa chữa, cải tạo các hạng mục bên trong nhà làm thay đổi kết cấu chịu lực, làm ảnh hưởng đến môi trường, đến an toàn công trình. Nhiều người cho rằng việc thay đổi trong nhà là không cần phải xin phép.
– Nhà ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng nhưng tổng diện tích sàn vượt quá 500m2. Nếu nhà bạn xây dựng có quy mô dưới 7 tầng nhưng diện tích sàn hơn 500m2 thì vẫn phải xin giấy phép xây dựng.
Đây là một trong những sai phạm thường gặp khi xây nhà dễ làm gia chủ “bất ngờ” nhất.
– Tương tự, xây nhà cấp 4 ở nông thôn nhưng nếu thuộc đất quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì phải xin giấy phép. Nhiều người cho rằng xây nhà cấp 4 ở nông thôn không cần xin phép, đến khi bị phạt mới tá hỏa.
Mức phạt cho trường hợp xây nhà không phép đối với nhà ở riêng lẻ có thể lên tới 80.000.000 đồng.
2 | Xây nhà sai phép
So với xây nhà không phép thì xây nhà sai phép phổ biến hơn. Gia chủ một là không biết về việc sai phạm, hai là cố tình xây dựng sai phép nên không thể hoàn công.
Theo tổng hợp và phân tích của Happynest thì bạn không nên xây dựng sai phép vì bất cứ lý do gì. Vì điều này sẽ gây bất lợi lớn cho bạn.
Nếu xây dựng sai phép, bạn không chỉ nộp phạt với số tiền lên đến 100.000.000 đồng mà công trình còn bị ngưng thi công cho đến khi bạn hoàn tất thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Ngoài ra, bạn phải phá dỡ phần xây dựng sai phép và thực hiện thêm các biện pháp khắc phục khác theo yêu cầu.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp xây nhà sai phép được miễn phạt. Đó là khi bạn xây nhà có quy mô nhỏ hơn so với giấy phép. Trừ trường hợp nhà của bạn thuộc khu quy hoạch 1/500.
3 | Xây nhà không thông báo với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương
Có hai sai phạm thường gặp khi xây nhà liên quan đến việc thông báo với cơ quan có thẩm quyền, đó là:
– Xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn không cần giấy phép xây dựng mà quên thông báo với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về thời gian thi công.
– Xin giấy phép xây dựng của quận, huyện mà không thông báo với cơ quan có thẩm quyền xã, phường nơi mình xây nhà.
4 | Xây nhà không đảm bảo các biện pháp an toàn
Có ba nhóm biện pháp an toàn bạn cần lưu ý để làm việc với nhà thầu:
– Xây nhà không bao che hoặc bao che nhưng làm đổ vật liệu, đồ đạc… xuống bên dưới, xuống công trình lân cận.
– Xây nhà làm ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng người khác.
– Xây nhà không đảm bảo yếu tố an toàn lao động cho người trực tiếp tham gia thi công.
5 | Chọn đội thi công không đủ năng lực
Sai phạm thường gặp khi xây nhà này cũng khiến nhiều gia chủ đau đầu. Bạn cần cân nhắc lựa chọn đơn vị thầu thi công có kinh nghiệm, uy tín với đội ngũ tham gia thi công đảm bảo năng lực, tay nghề để không bị xử phạt hành chính.